Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định: “Xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước”. Đây là chủ trương lớn có tính đột phá nhằm đưa CNQP nước ta lên một tầm cao mới, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP hiện đại, cần tiến hành động bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng, quyết định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP hiện đại là tổng thể hoạt động của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, với đường lối, quan điểm, cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp; thực hiện đầy đủ các bước từ tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, đãi ngộ nhằm xây dựng một bộ phận cán bộ, người lao động ưu tú, tiêu biểu trong ngành CNQP. Có thể nói, nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận ưu tú, tiêu biểu nhất trong nguồn nhân lực của ngành CNQP, đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP hiện đại và là một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội và quốc gia. Đó là những người có phẩm chất chính trị, sức khỏe, trí tuệ, trình độ, kỹ năng tay nghề chuyên môn nghiệp vụ cao. Trong ngành CNQP nước ta hiện nay, có thể khái quát cấu trúc nguồn nhân lực chất lượng cao thành các bộ phận sau: (1) Cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy giỏi; (2) Đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ (KHCN), tham mưu giỏi; (3) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân viên quốc phòng (CNVQP), người lao động có tay nghề chuyên môn vượt trội.
“Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”.
(Nguồn: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng)
Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP thời kỳ mới theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, nhận thức đúng về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Có quan điểm cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao là những lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Như vậy, những người qua đào tạo giản đơn (sơ cấp, trung cấp, ngắn hạn) nhưng đáp ứng được những yêu cầu phức tạp của công việc lại không được tính là lao động chất lượng cao. Theo giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam: “Một nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện ở trình độ lành nghề của nguồn nhân lực”. Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, nguyên Vụ trưởng, Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nhân lực chất lượng cao phải có 4 đặc trưng chính: Có trí tuệ, nhân cách, tay nghề vượt trội và năng lực thực tế hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất so với mặt bằng chung, phù hợp với nền kinh tế - xã hội hiện đại mang tính chất tri thức.
Như vậy, mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP Việt Nam trong tình hình mới là nhằm tạo ra một bộ phận cán bộ, người lao động ưu tú, tiêu biểu, có đạo đức và sức khỏe tốt, có trí tuệ và tay nghề chuyên môn giỏi, có số lượng, cơ cấu ngành nghề phù hợp. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là động lực và mũi nhọn quan trọng để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng ngành CNQP, Quân đội hiện đại và tham gia phát triển kinh tế đất nước; đưa mặt bằng trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành CNQP lên mức tương đương và từng bước cao hơn so với các ngành khác của quốc gia.
Hai là, nắm vững thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao và yêu cầu phát triển CNQP hiện đại làm cơ sở đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, phù hợp với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII.
Đây vừa là định hướng, vừa là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn khi xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành CNQP. Nó quyết định đến chất lượng các nội dung tham mưu, đề xuất, các quyết nghị, quyết định của chủ thể xây dựng. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, nắm vững thực trạng số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các kỹ sư, công nhân lành nghề, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tay nghề cao trong từng lĩnh vực. Một nội dung cũng rất quan trọng cần nắm vững là thực trạng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia, Quân đội và ngành CNQP.
Trên cơ sở nắm vững lý luận và khảo sát hiểu rõ thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành sẽ giúp chủ thể đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, bước đi phù hợp, giúp Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có những quyết sách đúng đắn trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành CNQP hiện đại, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng nhất trong các nguồn lực, bởi đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển bền vững nhất, hiệu quả nhất.
Ba là, nắm vững các quan điểm Đại hội XIII của Đảng về phát triển CNQP và nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ mới.
Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, chuyển đổi sang công nghệ số… Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường… bố trí lại công nghiệp trên các địa bàn, lãnh thổ hợp lý hơn”1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 xác định: “Phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”2. Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đến CNQP. Ngành CNQP Việt Nam không chỉ phát triển hiện đại, sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh (QP-AN) mà còn đảm bảo tính lưỡng dụng để tham gia phát triển kinh tế đất nước, thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Đây là những định hướng quan trọng, nền tảng lý luận dẫn đường để xây dựng nền CNQP nước ta tiến lên hiện đại.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...”3.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển CNQP ở nước ta tất yếu phải huy động mọi nguồn lực, như: vốn, tài nguyên, vị trí địa chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực. Những chủ trương, quan điểm về phát triển CNQP và nguồn nhân lực chất lượng cao của Đại hội XIII là định hướng cơ bản, quan trọng và xuyên suốt, làm cơ sở để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yều cầu phát triển CNQP hiện đại thời kỳ mới.
Bốn là, lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành CNQP phải nằm trong chiến lược, quy hoạch tổng thể xây dựng nguồn nhân lực quốc gia và nguồn nhân lực chất lượng cao của Quân đội. Nắm chắc kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020” và “Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020”; thực trạng nguồn nhân lực của ngành CNQP, định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội, yêu cầu phát triển CNQP lưỡng dụng, ngày càng hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành đúng hướng, phù hợp, khả thi. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành CNQP phải thống nhất, đồng bộ với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực. Bên cạnh xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu chiến lược, cần hết sức chú trọng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; nhân lực kỹ thuật, quản trị công nghệ quốc phòng…
Nội dung quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải xác định rõ quan điểm, mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình, bước đi theo từng giai đoạn, phù hợp với đặc điểm tình hình, trình độ phát triển công nghiệp quốc gia và trình độ KHCN của nền CNQP. Ngoài ra, cần phải bảo đảm sự cân đối cả số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực, phù hợp tiêu chí chất lượng cao của thế giới và đất nước. Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao càng có ý nghĩa quan trọng đối với yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng nhất trong các nguồn lực, bởi đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển bền vững nhất, hiệu quả nhất. Quán triệt và thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP hiện đại và lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đồng thời cũng góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa Quân đội vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG
Viện Chiến lược Quốc phòng
___________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, 2. ĐCSVN, Văn kiện trình Đại hội XIII , Tập I, tr. 124, tr. 279, tr.231.
3. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.