Tự động hóa dây chuyền sản xuất
Bước vào Nhà máy Z131 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31), hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại khiến nhiều người không khỏi trầm trồ. Có thể kể đến như: Cánh tay robot hàn tự động cho ra sản phẩm đều như rập khuôn, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ; dây chuyền sơn tự động giúp nước sơn bóng đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao... Lợi ích mang lại từ các dây chuyền này còn ở chỗ người lao động không phải trực tiếp tham gia vào những công việc độc hại, nặng nhọc. Những năm qua, Nhà máy Z131 đã chú trọng đầu tư thiết bị tiên tiến, tính tự động hóa cao. Theo Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31, đây là yếu tố quan trọng để nhà máy bắt nhịp với yêu cầu ngày càng cao về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ví như dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp tại nhà máy hiện nằm trong nhóm công nghệ hiện đại nhất của Việt Nam và thế giới. Dây chuyền này mỗi ca chỉ cần 6-7 người vận hành, không chỉ tăng chất lượng sản phẩm mà năng suất được nâng lên gấp đôi.
Nhà máy Z131 cũng đẩy mạnh phát huy nội lực bằng việc khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, năng lực của từng cán bộ, kỹ sư, người lao động thông qua nghiên cứu khoa học, ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhờ những sáng kiến này, năng suất tăng lên, thu nhập của người lao động cao hơn, càng tạo động lực để mỗi người thêm cố gắng. Từ ý tưởng nhỏ đến đề tài nghiên cứu ở quy mô lớn đều được nhà máy ghi nhận và có hình thức khen thưởng xứng đáng, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần lao động của các tập thể, cá nhân.
Hệ thống sơn tự động của Nhà máy Z131 giúp sản phẩm đồng đều chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật. |
Đối với Nhà máy Z199, bước ngoặt để chiếm lĩnh thị phần, đưa sản phẩm quạt điện mang thương hiệu Điện cơ 91 được người dân biết đến rộng rãi như hiện nay chính là nhờ quyết tâm đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. Trung tá Đỗ Đức Minh, Phó giám đốc Nhà máy Z199 cho biết, nhà máy đã đầu tư và đưa vào dây chuyền sản xuất quạt từ năm 2001 theo hướng đồng bộ, hiện đại, thay thế cho phương thức sản xuất thủ công. Đây là yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động lên hàng chục lần. “Ví như để cuốn động cơ cho quạt, trước đây phải dập từng lá thép, xếp vào với nhau rất lâu. Hiện dây chuyền dập tự động đang chạy với công suất 500 lá thép/phút, có thể lên đến 800 lá thép/phút. Đầu vào là tấm thép, đầu ra là rotor và stator, chất lượng đồng đều”, Trung tá Đỗ Đức Minh chia sẻ. Năng suất tăng lên giúp giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức hợp lý, phù hợp với thu nhập của đông đảo người dân. Mẫu mã được cải tiến liên tục, phù hợp với xu hướng, thị hiếu; đồng thời, các tiêu chuẩn chất lượng vẫn luôn được duy trì. Ấn tượng của người tiêu dùng với quạt Điện cơ 91 là độ bền, góp phần xây dựng thương hiệu vững chắc.
Chăm lo xây dựng nguồn nhân lực
Dù công nghệ hiện đại đến bao nhiêu nhưng nếu không có nhân lực đủ khả năng làm chủ và áp dụng thành công trong thực tiễn thì sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Hiểu rõ vấn đề này, các đơn vị CNQP luôn xác định đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng cao là yếu tố sống còn. Tại Nhà máy Z131, người lao động liên tục được đào tạo và đào tạo lại, kết hợp vừa đào tạo tại chỗ, vừa phối hợp với các đối tác chuyển giao công nghệ và gửi đi các cơ sở đào tạo. Nhờ vậy, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, đồng thời, đáp ứng ngay với việc đổi mới, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị.
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đặc biệt trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số trang thiết bị, công nghệ đã giúp Nhà máy Z115 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Điện cơ hóa chất 15) không chỉ hiện đại hóa dây chuyền sản xuất mà còn tăng tính chủ động, tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhà máy đã tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số trang thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất trên tinh thần "4 tự lực" (tự trang bị, tự chế tạo, tự viết phần mềm, tự lắp đặt), giúp giảm chi phí đầu tư. Điển hình là dây chuyền công nghệ mạ, đối tác nước ngoài chào bán dây chuyền này với giá 1 triệu USD. Tuy nhiên, cán bộ, công nhân viên nhà máy đã tự nghiên cứu với chi phí chỉ 7 tỷ đồng, bằng 1/3 giá trị nhập khẩu từ nước ngoài. Đây chỉ là một trong số rất nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại được Nhà máy Z115 đầu tư, nghiên cứu phục vụ sản xuất. Theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Z115, thời gian qua, việc tự động hóa, cải tiến các trang thiết bị, giảm sức lao động, cải thiện môi trường làm việc đã được nhà máy thực hiện quyết liệt. Cùng với đó, nhà máy thường xuyên rà soát, bổ sung, ban hành hệ thống quy chế, nội quy, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành DN.
Hiện nay, phương pháp quản lý theo mô hình Kaizen, 5S đã không còn xa lạ với đa phần các đơn vị CNQP. Trong đó, 5S là phương pháp, mô hình nhằm tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ, khoa học, gọn gàng và tiện lợi. Kaizen là triết lý nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục trong quá trình làm việc. Từ thực tiễn áp dụng mô hình này tại Nhà máy Z115, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, nhận thức của người lao động được nâng lên, chủ động tham mưu đề xuất, sắp xếp bố trí sàng lọc để cải thiện môi trường làm việc. Bên cạnh đó, nhà máy luôn tôn trọng từ những sáng kiến nhỏ nhất, tạo động lực cho cán bộ, kỹ sư, công nhân viên phát huy sáng tạo và cũng là phục vụ chính người lao động để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mô hình quản lý mới đã cho thấy tính hiệu quả, tối ưu trong quản lý DN; đồng thời, tạo cho cán bộ, công nhân viên, người lao động nhà máy có quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất, sinh hoạt bài bản, chất lượng công việc đạt kết quả vượt trội.
Thời gian qua, trong Tổng cục CNQP có rất nhiều nhà máy bứt phá thành công, vươn lên trong chuỗi giá trị nhờ đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại. Điển hình như Nhà máy Z143, Z175, Z121, Z199... Sản phẩm của các nhà máy luôn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, tự tin hoàn thiện và đáp ứng kịp thời những đơn hàng số lượng lớn, yêu cầu cao.
Bài và ảnh: GIA MINH - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG
Nguồn: www.qdnd.vn